HÌNH SỰ HOÁ NHỮNG QUAN HỆ DÂN SỰ VÀ HÀNH CHÍNH

Hình sự hoá là khái niệm không mới, nhưng ít được sử dụng trong cuộc sống đời thường. Hình sự hoá được hiểu là chuyển những hành vi tưởng chừng không vi phạm pháp luật hình sự trở thành tội phạm bị xử lý hình sự. Việc có sự chuyển biến hành vi này khiến những hành vi trở thành đối tượng bị điều chỉnh bởi pháp luật hình sự.

Thực tiễn hiện nay có rất nhiều quan hệ pháp luật dân sự hay hành chính thông thường bị hình sự hoá. Ví dụ như:

A cho B vay 20.000.000 đồng, có giấy vay. Đến hạn trả nợ, B không trả tiền, không có mặt ở nơi cư trú cũng không liên lạc với A. Theo quy định của pháp luật hình sự, tình huống này có dấu hiệu của tội phạm. Cụ thể, tại Điều 175 BLHS quy định về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (…):

  1. Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
  2. Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

Trong tình huống trên, về bản chất, đây là quan hệ dân sự về hợp đồng vay, tuy nhiên, xét thấy có “dấu hiệu” bỏ trốn nên A đã tố giác B đến Cơ quan điều tra để khởi tố vụ án hình sự. Việc này gây ra sự mập mờ trong việc áp dụng luật để đưa ra quyết định khởi tố hay không khởi tố. Bởi vì, dấu hiệu “bỏ trốn” và mục đích « nhằm chiếm đoạt tài sản » là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.

Tuy nhiên, chưa có văn bản nào quy định thế nào là “bỏ trốn”, việc xác định mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” lại càng khó. Bởi thế nên đôi khi Cơ quan điều tra cũng không tiếp nhận vụ việc như trên do họ cho rằng có thể người vay đi khỏi nơi cư trú để đi xuất khẩu lao động, hay đi làm ăn xa,… chứ không phải trốn nợ.

Còn muốn nộp đơn lên Toà dân sự trường hợp này lại càng khó, bởi không xác định được nơi cư trú của bị đơn. Trong tình huống này, hầu hết mọi người đều mong muốn vụ án được hình sự hoá để “nương nhờ” sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hay một vụ án khác đã gây tranh cãi một thời gian rất dài, đó là vụ án Công ty Minh Hiếu ở Bạc Liêu phát sinh tranh chấp với ngân hàng BIDV trong quá trình vay mượn. Cho rằng Công ty Minh Hiếu sẽ tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng đã có đơn đề nghị cơ quan công an theo dõi, giám sát, nhưng bất ngờ, cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự do “có dấu hiệu” tội phạm.

Trên thực tế, Công ty Minh Hiếu cùng Ngân hàng BIDV Bạc Liêu đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng để duy trì việc kinh doanh sản xuất. Trong suốt quá trình thực hiện các hợp đồng, Công ty Minh Hiếu đã tất toán nợ đúng hạn, đầy đủ. Cuối năm 2012, đầu năm 2013, do khó khăn nên công ty đã tự ý đứng ra bán một số tài sản đảm bảo đã được dùng để thế chấp mà không thông báo với phía ngân hàng.

Do đó, BIDV có công văn gửi Công an tỉnh đề nghị hỗ trợ, giám sát. Ngược lại, công ty Minh Hiếu cũng cho rằng ngân hàng chưa giải ngân đầy đủ như đã thoả thuận, dẫn đến việc hai bên có tranh chấp. BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện công ty Minh Hiếu ra TAND thị xã Giá Rái.

Tranh chấp này đang được giải quyết bởi Toà án dân sự, thì Công an tỉnh Bạc Liêu có quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án được TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên án 3 bị cáo tổng cộng 48 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cả 3 bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan.

Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP. HCM cho rằng trước khi vụ án được khởi tố, BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện vụ án dân sự để đòi tiền của Công ty Minh Hiếu, và hai bên đã thoả thuận được với nhau.

Thế nhưng, khi đang thoả thuận thì cơ quan điều tra lại “Hình sự hoá” để khởi tố vụ án. Như vậy là trong cùng một thời điểm, cùng một vụ việc nhưng hai cơ quan tố tụng lại vừa xử lý dân sự, vừa khởi tố hình sự, như vậy là trái pháp luật.

Việc “Hình sự hoá” như một con dao hai lưỡi. Một mặt, hình sự hoá giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được thực hiện một cách toàn diện, góp phần ngăn ngừa, trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự trị an. Mặt khác, hình sự hoá lại gây ra sự khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với các cơ quan chức năng.

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ