Cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con cái trong trường hợp nào?

Cha mẹ có quyền yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho đất nước. Cha mẹ có những quyền cơ bản đối với con như: quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con; quyền giáo dục con; quyền đại diện cho con; quyền có tài sản riêng của con; quyền quản lý tài sản riêng của con; quyền định đoạt tài sản của con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự,… Mặc dù các quyền này của cha mẹ là quyền đương nhiên nhưng trên thực tế, có một số trường hợp, để bảo vệ con,  cha mẹ bị hạn chế một số quyền đối với con chưa thành niên.

Pháp Luật có những quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên nhưng không phải ai cũng hiểu và biết về các quy định này. Do đó, để có cái nhìn tổng quan nhất về vấn đề này, sau đây công ty Luật TNHH Gia Võ  xin tư vấn cho Quý khách hàng quan tâm đối với các quy định của pháp luật về vấn đề hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên để các quy định này được áp dụng đúng nhất.

Hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên là gì?

Hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên là: giới hạn của pháp luật nhằm không cho cha, mẹ thực hiện một số quyền đối với con chưa thành niên trong một thời hạn nhất định. Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã quy định việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên trong một số trường hợp và trong thời gian nhất định, đậy là biện pháp chế tài của pháp luật hôn nhân và gia đình áp dụng đối với cha mẹ không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với con chưa thành niên có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của con người.

Theo quy định tại Điều 85: Hạn chế quyền cha, mẹ đối với con chưa thành niên  của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 :

“1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên có một số đặc điểm sau:

  • Thứ nhất, đây là một biện pháp chế tài của luật hôn nhân và gia đình.. Pháp luật quy định cha mẹ có quyền và nghĩa vụ yêu thương chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, làm gương tốt cho con về mọi mặt. Khi cha mẹ có hành vi nghiêm trong đối với con chưa thành niên hoặc có lối sống đồi trụy…thì cha mẹ sẽ bị áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm, đó là hạn chế một số quyền đối với con chưa thành niên thông qua một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Tòa án. Việc này thể hiện thái độ của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của con chưa thành niên.
  • Thứ hai, đây là một biện pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên. Về mặt sinh học con chưa thành niên còn đang trong độ tuổi hình thành, phát triển về thể chất và nhân cách. Vì vậy, các em cần được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh có sự chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, của cha mẹ. Tuy nhiên, khi cha mẹ có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của con chưa thành niên thì hạn chế quyền cha mẹ là cần thiết. Theo các nhà tâm lý đối với con chưa thành niên mà được sống trong tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ vẫn là môi trường sống lý tưởng nhất để các em phát triển tốt tâm sinh lý. Nên việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên như thế nào nào trong thời gian bao lâu cũng cần có sự cân nhắc để bảo vệ quyền lợi tốt nhất của các con chưa thành niên
  • Thứ ba, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên chỉ làm hạn chế một số quyền của cha mẹ chứ không làm chấm dứt mới quan hệ giữa cha mẹ và con.

Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bi hạn chế quyền đối với con chưa thành niên:

Theo quy định tại Điều 87, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 87: Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

  • Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.
  • Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;

b) Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

c) Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Trên đây là những thông tin mới nhất về quy định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên . Mọi thắc mắc cần giải đáp và tư vấn thêm, quý khách vui lòng liên hệ để được hỗ trợ sớm nhất!

Chuyên viên: Vũ Phương Thảo

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ