QUYỀN ĐÒI LẠI TÀI SẢN ĐƯỢC TẶNG CHO

Tình huống pháp lýTôi xin hỏi luật sư Bà nội tôi có cho tôi một mảnh đất và đã đứng tên sổ đỏ mang tên tôi nhưng bố tôi lại xây nhà trên mảnh đất đó, ông có mua thêm một mảnh bên cạnh và đuổi tôi đi. Vậy xin hỏi Luật sư tôi có thể lấy lại được quyền sở hữu mảnh đất bà nội để lại không ạ và xin hỏi nếu trong một gia đình cha đuổi con đi thì người con có được thừa hưởng hoặc chia gì trong gia đình không?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất

Do đó, việc anh đã đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì được xác định anh là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu hợp pháp thửa đất người bà đã tặng cho.

Theo Điều 12 Luật Đất đai 2013 có quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc bố anh đuổi anh ra khỏi nhà, xây dựng nhà trên đất của anh đứng tên là đang xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh. Do đó, áp dụng quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015, anh có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Anh có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm.

2. Trong trường hợp việc bảo vệ quyền sở hữu mảnh đất được tặng cho dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa hai cha con, khi đó người cha có thể sẽ để lại di chúc không để anh được thừa kế tài sản của người cha.

Nếu sau này việc thừa kế được thực hiện theo quy định pháp luật thì tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015 “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Đồng thời, tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Vì vậy, nếu anh không thuộc trường hợp “không được hưởng di sản” theo quy định trên thì dù có bị đuổi ra khỏi nhà thì anh vẫn sẽ được thừa kế bình đẳng như người khác.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Chúng tôi liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của Luật Gia Võ sẽ hữu ích cho Quý Khách.

Theo Nguyễn Quyết Thắng – Công ty Luật TNHH Gia Võ

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ