[TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ]
Trong bối cảnh pháp lý, mất tích thường được coi là khi một người biến mất mà không có bất kỳ thông tin nào về sự hiện diện hoặc tình trạng của họ trong một khoảng thời gian dài, dù đã có các nỗ lực tìm kiếm hoặc liên lạc với người đó mà không thành công.
1. Điều kiện về tuyên bố mất tích
Theo Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, một người có thể bị Tòa án tuyên bố mất tích khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Biệt tích 02 năm liền trở lên;
– Mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết;
– Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.
*Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Lưu ý:
– Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
– Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
2. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Căn cứ Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú tiếp tục quản lý tài sản của người bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Người quản lý tài sản của người bị Tòa án tuyên bố mất tích có quyền và nghĩa vũ sau:
– Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
+ Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.
+ Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng.
+ Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án.
+ Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
– Quyền của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
+ Quản lý tài sản của người vắng mặt.
+ Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.
+ Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản của người vắng mặt.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
3. Trường hợp hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
Trường hợp hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích quy định tại Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
– Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
– Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.
– Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
– Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
4. Người bị tuyên bố mất tích sau 3 năm hoặc biệt tích 5 năm
Căn cứ điểm a,b khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp:
– Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
– Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ vào các trường hợp quy định nêu trên, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
*Như vậy, tuyên bố mất tích là một bước quan trọng để bảo vệ quyền lợi pháp lý của người mất tích và gia đình, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tiến hành điều tra và tìm kiếm người đó. Nó cũng giúp gia đình giải quyết các vấn đề tài chính, pháp lý, và cá nhân liên quan, đặc biệt khi người mất tích không thể liên lạc hoặc xác định được trong một thời gian dài.
Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật Gia Võ, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua https://luatgiavo.vn/ hoặc Hotline: 02466.559.559 để được tư vấn và giải đáp thắc.
——————-
CÔNG TY LUẬT TNHH GIA VÕ
☎ (024) 66.559.559
🌐 Trụ sở chính: Phòng 103, Tầng 1, Số 16 Trần Quốc Vượng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
🏠 Chi nhánh tại Khánh Hòa: Lô 8, Ô 15 đường Thân Nhân Trung, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
🏠 Chi nhánh tại Phú Thọ: Số 20, Tổ 16H Khu 9, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.