QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ÁN TREO

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ÁN TREO

Án treo là một hình phạt đối với người bị kết án. Người được hưởng án treo về nơi người đó làm việc hoặc nơi người đó cư trú và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự. Vậy pháp luật quy định như thế nào về án treo? Hãy cùng Luật Gia Võ tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Án treo theo quy định của pháp luật
Căn cứ khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, án treo có thể được hiểu như sau:
– Là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện;
– Áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm;
– Được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

2. Điều kiện được hưởng án treo
Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, cụ thể người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
(2) Có nhân thân tốt.
– Người được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
– Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
(3) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên.
– Trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
– Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
(4) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
– Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
– Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
(5) Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù
Nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Những trường hợp không được hưởng án treo
Căn cứ vào Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định những trường hợp không được hưởng án treo, bao gồm 6 trường hợp dưới đây:
– Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
– Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
– Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
– Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
– Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
– Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, án treo thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự Việt Nam, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tự tu dưỡng và lao động tại cộng đồng với sự giúp đỡ tích cực của xã hội cũng như gia đình đồng thời cảnh báo họ nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì buộc phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên.

Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật Gia Võ, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua https://luatgiavo.vn/ hoặc Hotline: 02466.559.559 để được tư vấn và giải đáp thắc.
————————
CÔNG TY LUẬT TNHH GIA VÕ
(024) 66.559.559
🌐 Trụ sở chính: Phòng 103, Tầng 1, Số 16 Trần Quốc Vượng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
🏠 Chi nhánh tại Khánh Hòa: Lô 8, Ô 15 đường Thân Nhân Trung, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
🏠 Chi nhánh tại Phú Thọ: Số 20, Tổ 16H Khu 9, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ