BIỆN PHÁP ĐIỀU TRA TỐ TỤNG ĐẶC BIỆT

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chính là một công cụ hữu hiệu cho phép Cơ quan điều tra thực hiện chức năng của mình trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu để chứng minh tội phạm khi điều tra các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây lại là một khái niệm mà ít độc giả nghe tới. Bài viết sau đây, chúng tôi sẽ làm rõ một số vấn đề liên quan đến biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

1. Biện pháp tố tụng đặc biệt là gì?

Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Những biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho phép ghi nhận hình ảnh với độ phân giải tốt, âm thanh chất lượng và những thông tin, tài liệu khác, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật với đối tượng áp dụng và những người không liên quan.

Một trong các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) là bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân. Do vậy, việc tiến hành các hoạt động như ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử khiến các biện pháp điều tra này được coi là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Theo Điều 228 BLTTHS 2015, các thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.

Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt - HILAW.VN

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

2. Các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt?

Theo Điều 224 BLTTHS hiện hành quy định các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi thực hiện điều tra các tội sau:

  • Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;
  • Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Các trường hợp được sử dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thường là các tội phạm có tính nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cho xã hội, có tổ chức chặt chẽ, các phương thức và thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng phạm tội thường ngoan cố, không hợp tác, chống đối thậm chí sử dụng bạo lực đối với cơ quan điều tra.

Chính vì vậy, biện pháp điều tra đặc biệt được coi là sự bổ sung cho các biện pháp điều tra thông thường khi thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm trong công cuộc phòng chống tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Điều 225 BLTTHS hiện hành quy định cụ thể về các vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan khi thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

  • Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.
  • Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.
  • Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.

Bàn về thực nghiệm điều tra theo quy định của BLTTHS năm 2015 - Kiểm Sát  Online

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

4. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt

Theo quy định tại Điều 226 BLTTHS 2015, thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra. Trong trường hợp xét thấy cần gia hạn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Việc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện theo Điều 228 BLTTHS 2015, cụ thể như sau:

“Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:

  1. Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền;
  2. Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt;
  3. Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi liên quan đến vấn đề các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Mọi thắc mắc cần giải đáp và tư vấn thêm, quý khách vui lòng liên hệ để được hỗ trợ sớm nhất.

Theo: Hoàng Minh Hương – Công ty Luật TNHH Gia Võ

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ