Tự do hôn nhân cũng là quyền con người được pháp luật bảo vệ, bởi tự do hôn nhân cũng là một phần biểu hiện quyền tự do được mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, tự do hôn nhân mang đến cho người ta nhiều sự lựa chọn hơn. Tiêu biểu trong số đó phải nói đến hôn nhân quốc tế, hay còn gọi là hôn nhân dị chủng (khác chủng tộc, quốc gia), ngôn ngữ pháp lý chúng ta có “hôn nhân có yếu tố nước ngoài”.Từ những năm 1980 trở lại đây, hôn nhân quốc tế phát triển mạnh, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hoá, giao lưu văn hoá và hội nhập kinh tế.
Vậy “hôn nhân có yếu tố nước ngoài” là gì? Trường hợp kết hôn với người nước ngoài thì cần tuân thủ những điều kiện gì? Sau đây, Luật TNHH Gia Võ sẽ cung cấp các thông tin về điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài và phân tích mới nhất dựa trên pháp luật hiện hành:
Kết hôn có yếu tố nước ngoài là gì?
Theo pháp luật Việt Nam, kết hôn là việc nam, nữ lấy nhau thành vợ, thành chồng sau khi tiến hành thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Việc kết hôn được xem là có yếu tố nước ngoài nếu rơi vào các trường hợp sau:
- Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài: Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Người nước ngoài là người không có quốc tịch hoặc là người có quốc tịch của quốc gia khác.
- Việc kết hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam: Công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở Việt Nam, thực hiện việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam.
- Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ xác lập quan hệ hôn nhân phát sinh tại nước ngoài.
Trong bài viết này, Gia Võ đề cập đến trường hợp đầu tiên, cũng là trường hợp đa số diễn ra hiện nay, đó là việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.
Điều kiện để kết hôn với người nước ngoài.
Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân Theo pháp luật nước mình về điều kiện kết hôn. Nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải tuân Theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn”.
Như vậy, cần lưu ý 03 điểm trong quy định này:
Thứ nhất, công dân Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài, phải tuân Theo pháp luật Việt Nam về điều kiện đăng ký kết hôn. Cụ thể, tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
“1. Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, pháp luật Việt Nam quy định về các hình vi bị cấm như sau:
“Điều 5: Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.
- Cấm các hành vi sau đây:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Thứ hai, công dân nước ngoài muốn kết hôn với người có quốc tịch Việt Nam phải tuân Theo điều kiện kết hôn của pháp luật dân sự nước đó.
Thứ ba, trong trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì người nước ngoài đó cũng phải tuân Theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam về điều kiện kết hôn, tức là phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Ví dụ: Một công dân Việt Nam muốn kết hôn với một công dân Pháp, thì:
- Về phía công dân Việt Nam, người này phải đáp ứng điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam 2014, cụ thể, nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; có năng lực hành vi dân sự; hôn nhân tự nguyện và không thuộc trường hợp pháp luật cấm kết hôn.
- Về phía công dân Pháp, người này phải đáp ứng điều kiện kết hôn quy định tại Bộ luật dân sự của nước Cộng hoà Pháp.
- Nếu như hai người này đăng ký kết hôn tại Việt Nam, thì bên cạnh việc tuân theo điều kiện kết hôn của Pháp, công dân Pháp đó phải đồng thời đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 của nước CHXHCN Việt Nam.
- Mở rộng: Ngay tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã quy định “Nam nữ kết hôn với nhau”. Quy định này đã phủ nhận “hôn nhân đồng giới” . Tức là trong hành lang pháp lý Việt Nam, hôn nhân đồng giới hoàn toàn không được công nhận. Do đó, dù cho công dân Việt Nam kết hôn đồng giới với công dân của một quốc gia mà quốc gia đó cho phép hôn nhân đồng giới, thì tại Việt Nam, cuộc hôn nhân đó không có tính pháp lý và không được pháp luật bảo vệ bởi chế độ hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, áp dụng nguyên tắc “lex loci celebrationis” (nơi diễn ra hành vi) trong Tư pháp quốc tế, cuộc hôn nhân này vẫn có thể được công nhận ở quốc gia cho phép hôn nhân đồng giới, nếu như cuộc hôn nhân đó được đăng ký, tổ chức tại quốc gia đó, với công dân nước đó (một bên là công dân Việt Nam), và đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện khác theo pháp luật dân sự của nước đó.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về điều kiện kết hôn khi có yếu tố nước ngoài. Mọi thắc mắc cần giải đáp và tư vấn thêm về vấn đề này, bạn vui lòng liên hệ để được hỗ trợ sớm nhất!
Chuyên viên: Trịnh Phương Thảo