CHẾ ĐỘ LÀM THÊM GIỜ?

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vì phải đáp ứng tiến độ công việc đã phải tăng giờ làm việc trong ngày hoặc tăng cường làm thêm cả ngày nghỉ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người sử dụng lao động cũng được tổ chức làm thêm giờ đối với người lao động và chế độ làm thêm giờ cũng có quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật.

 

05 quy định về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động 2019 NLĐ cần biết

Chế độ làm thêm giờ

Trường hợp nào được sử dụng NLĐ làm thêm giờ

Theo Điều 107 Bộ luật lao động 2019, những trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu:

– Phải được sự đồng ý của người lao động. Tuy nhiên, người lao động không được quyền từ chối trong trường hợp đặc biệt bao gồm:

        + Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

        + Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp:

  • Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy      sản;
  • Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước;
  • Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
  • Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ.

Lưu ý đối với các trường hợp ngoại lệ này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Làm thêm giờ được trả lương thế nào mới đúng? - VietNamNet

Chế độ về tiền lương của người lao động khi làm thêm giờ

Chế độ tiền lương làm thêm giờ

Về chế độ tiền lương làm thêm giờ, pháp luật cũng có quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:

– Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm:

           (1) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

           (2) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

           (3) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

– Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Ngoài ra, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động cần chú ý quy định pháp luật về làm thêm giờ để bảo đảm, thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ của mình.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Chế độ làm thêm giờ”. Mọi thắc mắc cần giải đáp và tư vấn thêm, quý khách vui lòng liên hệ để được hỗ trợ sớm nhất.

Chuyên viên: Hoàng Minh Hương

 

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ