Vụ việc một người đàn ông ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An bị chó PitBull cắn gây tử vong, luật sư khẳng định phải xử lý hình sự.
Trước đó, vào khoảng 23h30 ngày 20/5, anh H.T.H (37 tuổi, ngụ tại ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) dắt con chó Pitbull nặng khoảng 60kg đến ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (gần KCN Hòa Bình) uống cà phê.
Tại đây, anh H. gặp 1 người bạn (chưa rõ lai lịch), khi cả hai đang nói chuyện thì con chó Pitbull bất ngờ xông vào cắn người bạn của anh H. Anh H. cố gắng can ngăn nhưng cũng bị chó tấn công. Do vết thương nặng, bạn anh H. đã tử vong còn anh H. bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến – Công ty Luật TNHH Gia Võ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo Điều 4, thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT, quy định hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật: Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng,…”.
Trường hợp thả rông để chó cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người, theo điều 295 Bộ luật Hình sự 2015: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Về trách nhiệm của anh H, là người chủ nuôi chó Pitbull tấn công làm một người tử vong, Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến khẳng định: “Trong trường hợp này sẽ phải khởi tố hình sự. Vì thứ nhất, chúng ta sẽ đánh giá về mức độ nghiêm trọng, là xâm hại đến tính mạng. Và Điều 295 đã quy định rất rõ, vi phạm an toàn nơi đông người ở đây rõ ràng là anh Hải nuôi dưỡng một con súc vật mà có tính chất rất nguy hiểm, khi ra đường lại không thực hiện quy định của pháp luật, đó là: không có xích, không rọ mõm, không có biện pháp khác để bảo vệ an toàn cho những người xung quanh. Dẫn đến hậu quả là bị hại đã tử vong. Do đó, với quan điểm của tôi là sẽ phải xử lý hình sự đối với hành vi này”.
Việc chó nuôi tấn công người dân không còn là lời cảnh báo mà đã để lại nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Riêng trong tháng 3/2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận hai trường hợp bị chó nuôi tấn công phải cấp cứu. Trong đó, người bệnh 87 tuổi ở quận Ba Đình (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị chó Bully của nhà hàng xóm cắn làm dập nát cẳng tay trái, vết thương hàm mặt phức tạp. Còn em P.H.C (9 tuổi) đến từ Vĩnh Phúc nhập viện do bị chó cắn vào dương vật.
Đầu tháng 4 vừa qua, bé Hoàng Trung Quân (3 tuổi) ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, đang đi dạo với bố mẹ tại Công viên Yên Sở cũng bị chó dữ cắn phải tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị vết thương sâu hơn 10cm, dài khoảng 15cm.
Việc chó nuôi tấn công gây hậu quả cho người dân thì trách nhiệm chính thuộc về chủ vật nuôi, do nhiều chủ nuôi chó chưa ý thức được những rủi ro của việc thả rông chó, không thực hiện các quy định khi cho chó đi dạo, đi chơi. Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật để nâng cao ý thức của chủ nuôi, không để những tình huống đáng tiếc xảy ra như vụ việc trên.