Cách tính tiền bảo hiểm một lần theo quy định pháp luật hiện hành.

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi nghỉ việc từ tháng 7 năm 2018. Sau khi nghỉ việc, tôi ở nhà phụ giúp gia đình kinh doanh và không tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Tôi nghe nói mình được rút bảo hiểm một lần. Nhưng tôi không biết tính như nào. Nhờ luật sư giúp tôi tính. Tôi đóng bảo hiểm được 03 năm, lương của tôi trong ba năm trung bình là 5 triệu.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng sử dụng dịch vụ tư vấn của Công ty Luật TNHH Gia Võ. Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra sự tư vấn như sau:

  1. Căn cứ pháp luật:

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

Nghị định 115/2015/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều của luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

  1. Nội dung tư vấn:

Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và chi tiết tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ – CP như sau:

  • Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;
  • Người lao động ra nước ngoài để định cư;
  • Người lao động đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
  • Người lao động là thuộc ngành quân đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
  • Người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội mà sau một năm nghỉ việc, chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội.

Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;”

Đối chiếu quy định nêu trên và trường hợp của bạn – bạn nghỉ việc trên 01 năm và chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, bạn đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Cách tính tiền bảo hiểm xã hội một lần

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:

  • 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
  • 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
  • Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

  1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
  2. a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
  3. b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
  4. c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”

Ví dụ minh họa: Chị A đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2013 đến năm 2015 với mức lương đóng bảo hiểm xã hội là 3 triệu trong cả năm 2013 (từ tháng 1 đến tháng 12); 4 triệu trong năm 2014 và 4,5 triệu trong năm 2015. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của chị A được tính như sau:

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2013 của chị A= 3.000.000 (đồng)* 1,5 = 4.500.000 (đồng)

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2014 của chị A = 4.000.000 (đồng)* 2 =  8.000.000 (đồng)

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2015 của chị A= 4.500.000 (đồng)* 2 =  9.000.000 (đồng)

Tổng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2015 của chị A = Mức hưởng BHXH một lần trong năm 2013 + mức hưởng BHXH một lần trong năm 2014 + mức hưởng BHXH một lần trong năm 2015 = 4.500.000 + 8.000.000 + 9.000.000 = 21.500.000 (đồng)

Những thông tin mà bạn cung cấp chưa cụ thể về thời gian và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong từng năm nên chúng tôi rất khó tính đúng số tiền bảo hiểm xã hội một lần mà bạn sẽ được hưởng. Bạn có thể tham khảo ví dụ minh họa nêu trên để áp dụng cách tính vào trường hợp của bạn.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Cách tính tiền bảo hiểm xã hội một lần theo quy định pháp luật hiện hành” Mọi thắc mắc cần giải đáp, quý khách vui lòng liên hệ để được hỗ trợ sớm nhất!

Chuyên viên: Nguyễn Phượng

—————————————————–

CÔNG TY LUẬT TNHH GIA VÕ:

02466.559.559

Địa chỉ: Xóm 9, thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

VPĐD: P103- Tầng 1-Số 16 Phố Trần Quốc Vượng P.Dịch Vọng – Q.Cầu Giấy – HN

luatgiavo@gmail.com

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ