Những tác động mới của Luật lao động 2019 đối với người lao động

Để đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành và đáp ứng những đòi hỏi mới của việc quản trị thị trường lao động đang phát triển và thay đổi rất nhanh chóng, đồng thời để thực hiện những cam kết quốc tế, phục vụ quá trình hội nhập của Việt Nam, bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản, thì ngày 20/11/2019 Bộ luật Lao động sửa đổi (BLLĐ) vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Kính mời quý độc giả cùng tìm hiểu với Luật Gia Võ xem những sửa đổi, bổ sung của Bộ Luật Lao Động mới này có những tác động như thế nào đối với người lao động ( NLĐ) hiện nay.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thứ nhất: Mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

So với BLLĐ năm 2012 thì Bộ luật lao động mới này quy định về đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng hơn, cụ thể tại Điều 2 – BLLĐ 2019, thì đối tượng áp dụng bao gồm cả NLĐ không có quan hệ lao động. Như vậy có thể thấy quyền lợi của NLĐ đã được nâng cao và mở rộng hơn.

Thứ hai : Khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện .

NLĐ sẽ được quyền tự mình thành lập hay có thể tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thứ ba : Khi NLĐ muốn thôi việc, chỉ phải báo trước cho NSDLĐ mà không cần phải có lý do.

Quy định này nhằm đảm bảo quyền được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động. Bất cứ khi nào mà người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn ở doanh nghiệp khác thì đều có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chỉ cần thông báo trước cho NSDLĐ một khoảng thời gian theo luật định là 45 ngày hoặc 30 ngày hoặc 3 ngày, tùy loại HĐLĐ đã giao kết, để NSDLĐ có đủ thời gian tìm kiếm lao động thay thế. Riêng đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ.

Thứ tư : Ghi nhận hình thức Giao kết hợp đồng lao động thông qua giao dịch điện tử có hiệu lực như hợp đồng bằng văn bản.

Tại Điều 13 – BLLĐ 2019, ghi nhận hình thức Giao kết hợp đồng lao động thông qua giao dịch điện tử, điều này rất có lợi cho NLĐ, việc chấp nhận hình thức giao kết hợp đồng lao động điện tử thể hiện Quốc hội luôn luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp về những thiếu sót, cũng như theo sát tình hình phát triển của xã hội để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế.

Ngoài ra, với những trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.

So với thực tế hiện nay, quy định này được đánh giá là điểm tiến bộ lớn trong việc bảo vệ người lao động, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp “lách luật” không ký hợp đồng để trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như các trách nhiệm khác đối với người lao động.

Thứ năm : Không còn hợp đồng lao động thời vụ.

Điều 20 Bộ luật Lao động mới quy định:

Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Có thể thấy, quy định này đã bỏ loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng nhằm đảm bảo hơn quyền lợi cho người lao động.

Bởi lẽ, cùng trường hợp hợp đồng hết hạn, hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới, người lao động vẫn tiếp tục làm việc trong 30 ngày thì hợp đồng thời vụ trước đây chuyển thành hợp đồng xác định thời hạn 24 tháng, trong khi đó, theo quy định mới, hợp đồng xác định thời hạn sẽ chuyển thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Nhờ vậy mà công việc của người lao động được duy trì ổn định hơn.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thứ sáu : Được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do.

Thay vì phải có lý do và tuân thủ nghiêm ngặt việc thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng thì tới đây, người lao động đã có thể nghỉ việc dễ dàng hơn.

Thứ bảy : Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương.

So với trước đây, Điều 94 của Bộ luật về nguyên tắc trả lương đã bổ sung thêm trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp. Lúc này, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương thay cho mình.

Quy định này được đánh giá là thiết thực đối với người lao động, nhất là khi ốm đau, tai nạn… không thể trực tiếp nhận lương.

Bên cạnh đó, khi nhận lương, người lao động còn biết được chi tiết tiền lương của mình, bao gồm tiền lương chính, tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có) – một quy định đặc biệt có ý nghĩa với những lao động nhận lương theo sản phẩm, theo ngày công hoặc làm việc theo ca…

Thứ tám : Được nghỉ giữa giờ nhưng không tính vào giờ làm việc.

Theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động sửa đổi

Người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Điều đáng nói, điều khoản này đã bỏ nội dung “tính vào thời giờ làm việc”. Như vậy, sắp tới, thời gian nghỉ giữa giờ sẽ không được tính vào giờ làm việc và người lao động sẽ phải kéo dài thời gian làm việc trong ngày của mình thêm ít nhất 30 phút.

Thứ chín : Có thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương.

Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động mới đã bổ sung thêm 01 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 02/9 (có thể là ngày liền trước hoặc liền sau tùy theo từng năm)

Và như vậy, sắp tới, người lao động sẽ có 02 ngày nghỉ dịp Quốc khánh và nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm lên 11 ngày.

Ngoài ra, Bộ luật cũng đã thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương. Đó là khi cha nuôi, mẹ nuôi chết, người lao động được nghỉ 03 ngày.

Thứ mười : Lao động nữ được ưu tiên giao kết hợp đồng.

Bên cạnh các hình thức bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như trước đây như không bố trí làm đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa khi mang thai từ tháng thứ 07 hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi… thì một quyền lợi khác mà lao động nữ được hưởng theo Bộ luật Lao động 2019 đó là:

Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Với những quy định mới tại Bộ luật Lao động sửa đổi, có thể thấy, quyền lợi của người lao động đã được bảo đảm hơn rất nhiều so với trước đây, phản ánh đúng thực tiễn và ý kiến của NLĐ đã được lắng nghe, giải quyết.

Trên đây là những đánh giá sơ lược về các điểm mới của BLLĐ 2019, mà chúng có những tác động nhất định đến NLĐ. Mọi thắc mắc cần giải đáp và tư vấn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất!

CÔNG TY LUẬT TNHH GIA VÕ:

☎️ 02466.559.559

?  P103- Tầng 1-Số 16 Phố Trần Quốc Vượng P.Dịch Vọng – Q.Cầu Giấy – Hà Nội.

? luatgiavo@gmail.com

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ