BÍ MẬT KINH DOANH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Tình huống pháp lý: Tôi và bạn tôi làm việc tại hai công ty khác nhau. Bạn tôi hỏi xin tôi Quy chế nội bộ của công ty nên tôi đã gửi cho bạn tôi qua Email. Tuy nhiên tôi đã gửi nhầm sang Email đồng nghiệp và sự việc đã bị ban lãnh đạo công ty biết được. Do đó, giám đốc công ty ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải tôi do có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động. Tại Điều 20 Nội quy lao động công ty tôi quy định như sau:

Các hành vi sau đây được xác định là bí mật kinh doanh của NSDLĐ: Các thông tin liên quan đến NLĐ đang làm việc tại DN (tiền lương, tiền thưởng, số điện thoại…); Các tài liệu, Quy chế nội bộ của công ty; Các thông tin liên quan đến Ban giám đốc công ty; Kế hoạch tuyển dụng NLĐ”

Tôi xin hỏi là quy định nêu trên có đúng pháp luật không? Và việc tôi bị xử lý kỷ luật lao động là đúng hay sai? Tôi xin cảm ơn.

Bí mật kinh doanh là gì? Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Trả lời:

Công ty Luật TNHH Gia Võ cảm ơn bạn đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ tư vấn của chúng tôi, đối với câu hỏi của bạn, Chúng tôi có một số trao đổi như sau:

Hiện nay Bộ luật lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn không có quy định về cách xác định thông tin được xem là bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, tại khoản 23 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009 quy định:

“Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.”

Căn cứ quy định trên thì thông tin được xem là bí mật kinh doanh phải đáp ứng 03 yếu tố: (i) thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ; (ii) chưa được bộc lộ, tiết lộ ra bên ngoài doanh nghiệp; (iii) có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Chẳng hạn như thông tin kỹ thuật dùng trong quá trình sản xuất hàng hoá, thông tin liên quan đến một công thức, mẫu hàng, thiết bị hoặc tập hợp các loại thông tin khác mà được sử dụng trong một thời gian nhất định trong một doanh nghiệp.

Tìm hiểu về bảo hộ bí mật kinh doanh

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 118 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan.

Theo thông tin bạn cung cấp, căn cứ theo các quy định của pháp luật nêu trên thì Điều 20 Nội quy lao động của công ty bạn đang trái quy định của pháp luật và không có giá trị để xử lý kỷ luật lao động.

Vì vậy, việc bạn tiết lộ Quy chế nội bộ của công ty không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật theo Điều 20 của Nội quy lao động.

Tuy nhiên, bạn cần xem xét hành động của bạn có vi phạm quy chế khác của công ty hay không. Khi đó, bạn có thể sẽ chịu trách nhiệm về hành động của mình theo quy chế đó.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Gia Võ liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của Chúng tôi sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Chuyên viên: Lê Thị Hiền

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ