DOANH NGHIỆP CÓ PHẢI SỬA ĐỔI NỘI QUY LAO ĐỘNG TỪ NGÀY 01/01/2021?

Nội quy lao động là sự cụ thể hóa pháp luật lao động tại doanh nghiệp dựa trên đặc trưng của từng doanh nghiệp, là cơ sở để thực hiện việc quản lý lao động và xử lý kỷ luật lao động; phân định rõ ràng, cụ thể quyền và nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động; góp phần hạn chế các tranh chấp lao động, từ đó góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của quan hệ lao động.

Bộ Luật lao động (BLLĐ) 2019 có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 với nhiềuthay đổi mới sẽ tác động như thế nào đến nội quy lao động của tổ chức/doanh nghiệp? Và tổ chức/doanh nghiệp có bắt buộc phải rà soát, sửa đổi nội quy lao động theo quy định mới hay không? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây của Công ty Luật TNHH Gia Võ để tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên.

Doanh nghiệp phải sửa đổi và đăng ký lại nội quy lao động từ năm 2021 ·

Ảnh: Internet

1. Những thay đổi của BLLĐ tác động đến nội quy lao động của doanh nghiệp

a) Quy định mới về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Một trong những nội dung quan trọng của Nội quy lao động là thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Với BLLĐ 2019, quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đã có nhiều điểm thay đổi so với BLLĐ 2012. Cụ thể như sau:

+ Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động sẽ không được tính vào thời giờ làm việc

Khoản 1 Điều 109 quy định: “Người lao động làm từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.” Điều khoản này đã bỏ chi tiết “tính vào thời giờ làm việc” như quy định tại BLLĐ 2012. Do vậy, thời giờ làm việc bình thường của người lao động vẫn phải đảm bảo đủ 08 giờ/ngày. Đây là quy định mới với hướng có lợi hơn cho người sử dụng lao động.

+ Thêm ngày người lao động được nghỉ việc hưởng nguyên lương

Điều 112, BLLĐ 2019 về ngày nghỉ lễ, tết trong năm đã bổ sung thêm 01 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 02/9 dương lịch (ngày liền kề trước hoặc sau, tùy năm). Trong ngày này, tổ chức/doanh nghiệp phải đảm bảo cho người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.

Đồng thời, Điều 115, BLLĐ 2019 cũng bổ sung thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động khi “Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.”

+ Tăng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng và bổ sung thêm một số trường hợp được làm thêm không quá 300 giờ/năm

Theo quy định tại Điều 107, BLLĐ 2019 đã nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 01 tháng của người lao động từ “không quá 30 giờ trong 1 tháng” (BLLĐ 2012) lên thành “không quá 40 giờ trong 1 tháng”. Đồng thời, BLLĐ 2019 cũng đã quy định chi tiết và bổ sung một số trường hợp được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm gồm:

“a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.”

b) Quy định chặt chẽ hơn về nội dung nội quy lao động

BLLĐ 2012 hiện hành quy định nội quy lao động cần đảm bảo 5 nội dung chủ yếu gồm: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trật tự tại nơi làm việc; An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc; Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất. Tuy nhiên, BLLĐ 2019 đã quy định chặt chẽ hơn về nội quy lao động. Theo đó, ngoài 5 nội dung được giữ nguyên theo BLLĐ 2012, BLLĐ mới 2019 đã bổ sung thêm 4 nội dung cần có khác trong nội quy lao động gồm:

– Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

– Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

– Trách nhiệm vật chất;

– Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

c) Áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Tại BLLĐ 2019, Điều 125 nêu rõ: “Áp dụng hình thức sa thải đối với người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.”

Trong đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Đây là một quy định mới so với BLLĐ 2012 mà tổ chức, doanh nghiệp cần phải rà soát và bổ sung vào nội quy lao động để làm căn cứ áp dụng và xử lý kỷ luật trong trường hợp người lao động có vi phạm.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc phải rà soát, sửa đổi nội quy lao động?

Xem thêm:nhung-tac-dong-moi-cua-luat-lao-dong-doi-voi-nguoi-su-dung-lao-dong

Với những nội dung mới của BLLĐ 2019 có tác động trực tiếp đến nội quy lao động của doanh nghiệp, nếu nội quy lao động trước đây chưa có thì tổ chức, doanh nghiệp phải tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh Nội quy lao động, những thay đổi của BLLĐ còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều văn bản quản trị nội bộ khác của doanh nghiệp như: Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế khen thưởng và kỷ luật; Quy chế tiền lương, nâng lương, nâng bậc,… Việc rà soát và xây dựng những quy chế, quy định này cần đảm bảo đúng quy định pháp luật,đồng thời phải phù hợp với thực tiễn áp dụng tại tổ chức/doanh nghiệp, dung hòa được lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Chuyên viên: Nguyễn Thiện Khiêm

—————————————————–

CÔNG TY LUẬT TNHH GIA VÕ:

02466.559.559

Địa chỉ: Xóm 9, thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

VPĐD: P103- Tầng 1-Số 16 Phố Trần Quốc Vượng P.Dịch Vọng – Q.Cầu Giấy – HN

luatgiavo@gmail.com

Tham gia bình luận:

     
Luật Gia Võ